Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình số 65/TTr- BXD đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị quản lý thị trường bất động sản lành mạnh, trong đó, trọng tâm là phát triển phân khúc nhà diện tích nhỏ để đáp ứng yêu cầu người dân và hạn chế tình trạng đầu cơ nhà ở.

Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình số 65/TTr- BXD đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị quản lý thị trường bất động sản lành mạnh, trong đó, trọng tâm là phát triển phân khúc nhà diện tích nhỏ để đáp ứng yêu cầu người dân và hạn chế tình trạng đầu cơ nhà ở.
Ngày 13/9 vừa qua, tân Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã ký trình Chính phủ xem xét, ban hành một số giải pháp quản lý thị trường bất động sản lành mạnh.

Quan điểm của Bộ Xây dựng tại tờ trình này là ưu tiên phát triển các dự án nhà ở có diện tích trung bình (từ 70 đến 90 m2) và diện tích nhỏ (dưới 70 m2), có giá bán hợp lý và không khống chế tỷ lệ căn hộ diện tích nhỏ tại các dự án như quy định của Tiêu chuẩn xây dựng nhà chung cư (TCXDVN 323:2004). Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, sẽ tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng từ 80% trở lên, hạn chế phát triển nhà ở cao cấp (biệt thự, nhà liền kề, căn hộ chung cư có diện tích từ 120 m2 trở lên) tối đa không quá 20% trong tổng số đơn vị nhà ở thương mại xây dựng mới. Phát triển mạnh nhà ở cho thuê đáp ứng nhu cầu ở của người dân.


Tờ trình của Bộ Xây dựng cũng đề xuất tháo gỡ hàng loạt khó khăn, vướng mắc về vốn, mặt bằng và tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp xây dựng nhà xã hội trong thời gian tới. Cụ thể, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc việc dành 20% diện tích đất trong các dự án phát triển nhà ở và tổ chức triển khai xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ – CP của Chính phủ. Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương về phương pháp xác định giá đất sát với giá thị trường (theo quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP (ngày 13/8/2009 của Chính phủ).


Về vốn cho các dự án nhà xã hội và nhà thương mại giá thấp, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay các dự án có khả năng thanh khoản cao, các dự án phát triển nhà ở phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình và thấp, các dự án đã xây xong phần thô đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng, tăng tỷ trọng cho vay mua nhà để ở. Trước mắt, hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới (trừ các dự án nhà ở xã hội), các dự án bất động sản cao cấp (như dự án căn hộ chung cư có giá trên 30 triệu đồng/m2, hoặc diện tích trên 120 m2, biệt thự, nhà liền kề).


Ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Thái Sơn An (TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) nhận xét, nếu được ban hành, Chỉ thị này sẽ tạo bước phát triển đột phá cho các doanh nghiệp phát triển các dự án nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ. Thực tế những năm qua cho thấy, các dự án này luôn gặp vướng mắc về chính sách trong quá trình triển khai. Vài năm trước, một số doanh nghiệp tại TP.HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM và Bộ Xây dựng cho phép được xây dựng các căn hộ diện tích nhỏ (từ 25 đến 45 m2) phục vụ người độc thân, những gia đình trẻ, có mức thu nhập trung bình và thấp tại Thành phố. Tuy nhiên, đề nghị đó đã không được Thành phố chấp thuận.


Thực tế cho thấy, nhu cầu nhà ở của của cán bộ, công chức, các gia đình trẻ, những người có thu nhập trung bình tại các thành phố là rất lớn và chiếm tỷ lệ áp đảo so với các phân khúc khác của thị trường bất động sản. “Việc hạn chế phát triển các căn hộ diện tích nhỏ, giá thấp đã bóp méo sự phát triển của thị trường bất động sản, là nguyên nhân tạo nên làn sóng đầu cơ bất động sản, đẩy giá bất động sản lên cao trong nhiều năm qua”, ông Sơn nhận định