Mặc dù đang vào mùa xây dựng nhưng sức tiêu thụ các loại vật liệu trên thị trường sụt giảm rất mạnh.
Tính từ thời điểm cuối tháng 5, lượng thép thành phẩm tồn kho gần 450.000 tấn . Ảnh: Nguồn internet
Chán cảnh mở cửa không có người mua, anh T.M.Đ – Chủ cửa hàng phân phối thép ở quận 5 cho hay, gần hai tháng nay cửa hàng anh vẫn chưa xuất được đợt hàng lớn nào, chỉ có vài người đến hỏi giá rồi đi.
Cùng cảnh ngộ trên, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng (xin giấu tên) ở quận 2 chia sẻ, “Sau thông tin thắt chặt tín dụng, thị trường bất động sản ảm đạm, chủ đầu tư hoãn dự án, công trình ngưng trệ, kéo theo đó là sản phẩm vật liệu bị tồn kho”.
Không riêng đại lý và nhà phân phối, mà nhiều doanh nghiệp thép phải tìm đủ mọi cách để giải phóng hàng, như tăng mức chiết khấu bán hàng thêm 500.000 đồng - 900.000 đồng/tấn, kể cả hỗ trợ chi phí vận chuyển, trợ giá cho các công trình xây dựng để lôi kéo khách hàng nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm.
Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến cuối tháng 5, lượng thép thành phẩm tồn kho gần 450.000 tấn, phôi thép là 500.000 tấn. Còn theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 5/2011, lượng thép xây dựng bán ra của các thành viên trong VSA đã giảm 11,37% so với tháng trước, tương ứng 389.712 tấn.
Một trong những nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ thép trên thị trường sụt giảm là do tình trạng dư cung. Theo ước tính của VSA, chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2011, tổng sản lượng thép xây dựng sản xuất của cả nước là khoảng 2,21 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ ước đạt 2,14 triệu tấn. Đó là chưa kể mức tồn kho thành phẩm tháng 5 vào khoảng 320 nghìn tấn, phôi thép chuẩn bị cho sản xuất tháng 6 là 520 nghìn tấn.
VSA cho biết thêm, trong khi sản lượng thép trong nước đang dư thừa, thì tính đến ngày 15/4/2011 tổng lượng thép và nguyên liệu thép nhập khẩu vào Việt Nam đã đạt số lượng 2.631.811 tấn. Trong đó, thép cuộn 6, 8 khoảng 113.840 tấn, thép tấm lá đen là 1.039.626 tấn và một số loại thép khác.
Thứ hai là do thị trường vật liệu đang chịu tác động mạnh của việc tăng dồn dập một lúc như giá xăng dầu, giá điện, than, tỷ giá USD, chi phí đầu vào, lãi suất ngân hàng,... khiến chi phí đầu vào tăng, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán. Vì vậy, sức mua của thị trường cũng giảm mạnh.
Bình luận & chia sẻ bài viết