Theo dự báo, nhu cầu thép trên toàn thế giới năm 2011 sẽ tăng, và nhu cầu thép của thị trường trong nước ước tăng trưởng 8% so với năm 2010.
Hiện giá bán thép xây dựng ở Hải Phòng dao động tại các nhà máy lên 17,75 triệu - 18 triệu đồng/tấn, chưa gồm thuế và chi phí vận chuyển
Hải Phòng hiện có khoảng 20 DN sản xuất thép, tổng công suất thiết kế trong các dự án khoảng 4,5 triệu tấn/năm, trong đó phôi thép khoảng 2,3 triệu tấn.
Với công suất thiết kế đó cùng với sự tăng lên của số lượng DN, có thể nói, Thép Hải Phòng đang phát triển khá mạnh. Thế nhưng, trên thực tế, cùng với DN thép cả nước, thép Hải Phòng đang đứng trước thách thức không nhỏ.
Hiện giá bán thép xây dựng ở Hải Phòng dao động tại các nhà máy lên 17,75 triệu - 18 triệu đồng/tấn (chưa tính thuế và chi phí vận chuyển). Lý giải cho việc thép tăng giá, lãnh đạo của một Cty sản xuất thép tại Hải Phòng cho biết: Hiện nay, tất cả những nguyên liệu cơ bản như quặng sắt, than, dầu, phôi thép, thép phế, điện năng và một số loại nguyên liệu khác đều tăng giá cao hơn so với năm 2010. Hiện giá phôi vẫn đang giữ mức kỷ lục ở 690 USD/tấn, thép phế cũng vọt lên 550 USD/tấn. Ngay cả sắt thép phế, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phôi trong nước cũng tăng lên 560 USD/tấn. Vì vậy, tính ra giá sắt thép phế nhập về cộng với phí vận chuyển đã vào khoảng 15 triệu đồng/tấn. Từ đó, giá bán 1 tấn thép thành phẩm sản xuất trong nước đã lên tới 16,5 – 17 triệu đồng/tấn.
Do giá thép trong nước tăng cao nên lượng thép nhập khẩu về khá nhiều (chủ yếu từ Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc...), trong đó chủ yếu là thép cuộn. Hiện, giá thép thành phẩm của Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đang xuất bán sang thị trường VN, có giá thấp hơn so với giá thép trong nước. Theo phân tích từ giới chuyên môn, lượng thép cuộn ngoại nhập hiện nay chiếm 55% thị phần trong nước. Bên cạnh những thương hiệu nổi tiếng, thị trường có một số loại thép nhập khẩu mà chủ yếu từ Trung Quốc, giá rẻ hơn khoảng gần 10% so với thép sản xuất trong nước.
Theo thống kê của các nhà chuyên môn thì lĩnh vực sản xuất thép xây dựng phải nhập khẩu trên 70% lượng phôi, còn lĩnh vực luyện phôi thép thì phải nhập khẩu tới trên 80% nguyên liệu. Với Hải Phòng, cái khó của các DN chính là không có lượng phôi ổn định, hay nói cách khác là chưa chủ động sản xuất được lượng phôi. Hầu hết các đơn vị sản xuất phải nhập phôi, trong khi tương lai nhập phôi là rất khó.
Trong khi đó, “cung” thép xây dựng của Hải Phòng đã vượt “cầu”, nhưng thực tế Hải Phòng lại đang cần thép tấm phục vụ đóng tàu thì lại chưa đáp ứng được. Sở dĩ như vậy vì sản xuất thép tấm cần phải đầu tư lớn, phôi tốt và thiết bị sản xuất hiện đại. Cả ba yếu tố này, DN Hải Phòng còn thiếu và yếu.
Trước những khó khăn, và để cơ hội tăng trưởng của ngành thép sau khủng hoảng kinh tế thế giới, các DN thép Hải Phòng đang tìm cho mình những bước đi năng động hơn, nhiều Cty thép tăng đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh.
Thép Việt - Úc đề ra giải pháp tiếp tục đầu tư cải tiến dây chuyền để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đồng thời tích cực triển khai dự án nhà máy sản xuất phôi thép, công suất 800.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD.
Thép VPS đưa ra các giải pháp như chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất; Tăng cường tìm kiếm, huy động nguồn cung cấp tín dụng đa dạng để giảm chi phí vay vốn đến mức thấp nhất; Theo dõi sát diễn biến thị trường thép thế giới và trong nước; Đánh giá, phân tích dự báo thị trường làm cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Thép Việt - Nhật đang đầu tư một khu liên hiệp thép, công suất 1 triệu tấn/năm tại KCN Nam Cầu Kiền với tổng vốn đầu tư 65 triệu USD.
Bình luận & chia sẻ bài viết