Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, năm 2011 cả nước ước tính sẽ có thêm 12 nhà máy xi măng với tổng công suất 10,8 triệu tấn đi vào hoạt động. Như vậy, sản lượng toàn ngành sản xuất trong năm nay ước đạt khoảng 60 triệu tấn. Trong khi đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2011 sẽ chỉ tăng khoảng 10% so với năm ngoái (đạt mức 55 - 56 triệu tấn). Cùng với sức ép của giá điện, than, vốn vay…, các doanh nghiệp sản xuất xi măng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, năm 2011 cả nước ước tính sẽ có thêm 12 nhà máy xi măng với tổng công suất 10,8 triệu tấn đi vào hoạt động. Như vậy, sản lượng toàn ngành sản xuất trong năm nay ước đạt khoảng 60 triệu tấn. Trong khi đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2011 sẽ chỉ tăng khoảng 10% so với năm ngoái (đạt mức 55 - 56 triệu tấn). Cùng với sức ép của giá điện, than, vốn vay…, các doanh nghiệp sản xuất xi măng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
alt

Khó đủ đường

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) Lê Văn Chung cho rằng, trước tình hình giá vật liệu đầu vào như điện, than tăng mạnh thời gian qua và có khả năng tăng tiếp tới đây, một số dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng lạc hậu và đang trong quá trình chuyển đổi sang lò quay sẽ khó tồn tại được. Một số nhà máy xi măng đã buộc phải dừng lò dài ngày sửa chữa hoặc tiết giảm công suất để duy trì hoạt động, nhất là trong những lúc cao điểm mùa xây dựng, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị. Tình hình này khó được cải thiện từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, thời gian tới, lượng xi măng còn tăng cao, đặc biệt phân bố không đồng đều, mức độ cạnh tranh tập trung tại miền Bắc (cung vượt cầu khoảng 10 triệu tấn/năm) nên việc san sẻ, đảm bảo nguồn cung cho miền Nam mà không đội giá thành lên quá nhiều thực sự là bài toán khó. Về vốn đầu tư, hiện các dự án xi măng thường được đầu tư bằng ngoại tệ, sau thời gian khủng hoảng tài chính, lãi suất ngân hàng tăng, cộng thêm trượt giá nên công tác thu hồi vốn, trả nợ sẽ là một thách thức không nhỏ. Riêng Vicem, với 7 dự án đưa vào sản xuất trong năm 2011, dự kiến các doanh nghiệp sẽ phải trả khoản nợ khoảng 3.200 tỷ đồng, tương đương đầu tư mới một nhà máy xi măng lớn. Thậm chí, một số dự án xi măng không đủ sức trả nợ, có khả năng phải sáp nhập.

Vì vậy, theo đề nghị của Bộ Công thương, Hiệp hội Xi măng Việt Nam và Vicem đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị sản xuất sớm có giải pháp cải tiến công nghệ, thiết bị để giảm thiểu sử dụng điện năng trong các tháng mùa khô trong năm 2011.

Xuất khẩu: không dễ

Gần đây nhất, ngày 28.1.2011, tại Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long đã xuất khẩu lô hàng 25.000 tấn xi măng đầu tiên trong hợp đồng xuất khẩu 50.000 tấn sang thị trường châu Phi. Đây là lô hàng xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay của một nhà máy xi măng Việt Nam sang thị trường nước ngoài. Lô hàng 25.000 tấn xi măng còn lại sẽ xuất trong tháng 2.2011. Được biết trong năm 2011 này, Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long dự kiến sẽ xuất khẩu 300 nghìn tấn xi măng bao và 200 nghìn tấn xi rời sang thị trường các nước Singapore, Brunei, thị trường châu Phi, châu Mỹ và Trung Đông… Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng cho Xi măng Thăng Long và ngành xi măng của Việt Nam trong đầu năm 2011.

Tuy nhiên, lượng xi măng xuất khẩu như trên chưa thấm vào đâu so với năng lực sản xuất của doanh nghiệp (năm 2011 dư thừa dự kiến 5 triệu tấn). Trong khi đó, việc tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu xi măng không hề đơn giản, bởi lẽ những thị trường nhập khẩu xi măng lớn đòi hỏi rất khắt khe không chỉ về chất lượng mà còn nhiều yếu tố khác như dây chuyền công nghệ, việc bảo vệ môi trường nơi sản xuất; nhà máy phải có công suất lớn và đặc biệt là khả năng tập kết hàng với số lượng lớn trong thời gian ngắn..., điều mà không có nhiều doanh nghiệp xi măng Việt Nam đáp ứng được.

Ngành công nghiệp xi măng thế giới đã chấp nhận một thực tế là một nhà máy chỉ có thể sản xuất – kinh doanh có hiệu quả trong bán kính tiêu thụ khoảng 300 km đường bộ bởi vận chuyển hàng đi xa với mặt hàng có tỷ trọng lớn mà giá trị thấp như xi măng sẽ phải chịu mức cước lớn. Hiện tại, các doanh nghiệp xi măng tại Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu bằng đường bộ (trừ những đơn hàng lớn như Xi măng Thăng Long, Xi măng Vinakansai) qua Lào, Campuchia và Trung Quốc. Tuy nhiên thị trường Lào rất nhỏ, nhu cầu ít, hơn nữa thuế nhập khẩu xi măng vào nước này ngày càng tăng. Campuchia có hai nhà máy và nhu cầu nhập không đáng kể, và lại thường nhập từ Thái Lan, trong khi Trung Quốc là cường quốc xuất khẩu xi măng, nên xi măng Việt Nam khó chen chân vào được.