Theo thông tư của Bộ Xây dựng, các mặt hàng cồng kềnh, gây ô nhiễm sẽ không được bán ở “phố trung tâm” nhưng hiểu các phố này thế nào thì mỗi nơi hiểu một kiểu.
“Trên địa bàn quận 5 không được kinh doanh gạch xây, cát, đá, sỏi, vôi cục, vôi tôi, tấm lợp, kết cấu thép xây dựng, bê tông thương phẩm, bê tông đúc sẵn, tre, nứa, lá, đà giáo, kính tấm xây dựng, đá ốp lát có tạo hình cắt, mài cạnh…”. Đó là một trong những nội dung vừa được UBND quận 5 trình trong dự thảo quy định về khu vực, địa điểm sản xuất, kinh doanh và nơi để phế thải vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn quận này. Đây cũng là công việc đang được các quận, huyện tiến hành trong thời gian qua. Tuy nhiên, có nhiều điều cần bàn về quy định này.
Rục rịch lên danh mục
Lý do các mặt hàng VLXD quận 5 đề xuất không cho phép mua bán trên toàn quận này là do nằm trong nhóm hàng hóa “cồng kềnh, khối lượng lớn, dễ gây bụi” theo Thông tư 11/2007 của Bộ Xây dựng. Theo thông tư này, các mặt hàng này không được phép bày bán tại các “phố trung tâm” của thành phố, thị xã. Tuy nhiên, khái niệm “phố trung tâm” chưa được định nghĩa rõ, do đó tùy cách hiểu của mỗi nơi. Quận 5 đã xếp toàn bộ đường phố của quận đều là “phố trung tâm”, nên không cho phép mua bán các loại hàng hóa trên.
Theo đề xuất của quận 5, các cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm vật liệu trang trí nội, ngoại thất được phép buôn bán trên đại lộ Võ Văn Kiệt trong địa bàn quận. Ảnh: HTD
Ngoài ra, trong dự thảo, quận 5 còn đề nghị cụ thể các tuyến đường nào được kinh doanh mặt hàng nào. Chẳng hạn như tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt được kinh doanh, giới thiệu sản phẩm các loại vật liệu trang trí nội, ngoại thất. Khu vực chợ VLXD phường 13, quận 5 (giới hạn bởi các đường Vạn Kiếp, Hải Thượng Lãn Ông, Vạn Tượng, Võ Văn Kiệt) được kinh doanh vật liệu trang trí nội thất, gỗ ván, các loại tôn và ngói lợp. Hoặc khu vực đang kinh doanh hiện hữu tại phường 15 (chợ sắt Hà Tôn Quyền-Phạm Hữu Chí-Tân Thành) phải đảm bảo yêu cầu an toàn xã hội, không lấn chiếm lòng lề đường, không gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Tương tự, quận 8, quận 7, quận 12… cũng quy hoạch những tuyến đường được kinh doanh VLXD tại địa bàn. Ví dụ, quận 8 đề nghị các đường Âu Dương Lân, Hồ Học Lãm…, quận 12 thì có 10 trục đường chính như Trường Chinh, Tô Ký, Hà Huy Giáp… được mua bán mặt hàng này.
Các dự thảo nói trên được soạn theo yêu cầu của Sở Xây dựng khi sở này được UBND TP chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về VLXD, hướng dẫn các quận, huyện về việc quy định, khu vực, đường phố, địa điểm sản xuất kinh doanh VLXD, nơi để phế thải VLXD. Sau khi soạn sẽ trình các sở, ngành thẩm định, có ý kiến và sau cùng sẽ gửi về cho quận, huyện phê duyệt, ban hành.
Khó khả thi?
Ngoài những tuyến đường được cho phép kinh doanh VLXD được nêu trong dự thảo, các tuyến đường còn lại sẽ mua bán thoải mái? “Chính xác là như vậy” - lãnh đạo phòng QLĐT một quận cho hay. Ông cho biết chính vì thế mà quận của ông cảm thấy nhiều băn khoăn dù cũng đã dự thảo quy định. Theo ông, một số quy định trong Thông tư 11/2007 do Bộ Xây dựng ban hành có liên quan việc kinh doanh VLXD không phù hợp thực tế. Chẳng hạn: quy định phố trung tâm không được mua bán một số loại vật liệu. “Phải chăng đây là các trục đường chính ở quận, huyện? Hay phố trung tâm là khu trung tâm của TP như khu 930 ha của TP?” - ông bày tỏ. Theo ông, cho dù không thỏa tuyến đường do quận lập nhưng nếu đất có diện tích lớn, hoặc như xu hướng hiện nay là thường các cửa hàng chỉ trưng bày sản phẩm còn kho chứa hàng nằm ở nơi khác thì không hề cồng kềnh, cản trở hay ô nhiễm. Trường hợp này mà cũng không cho phép kinh doanh thì không hợp lý. “Chẳng hạn dọc các tuyến đường từ lâu đã nổi tiếng, quen thuộc và thuận lợi cho người mua VLXD như khu Thành Thái, Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt (quận 10)… sẽ không ít cửa hàng vi phạm quy định nếu ta theo cách hiểu đây là khu trung tâm nên không được bán một số mặt hàng đã quy định” - ông nhận xét. Cũng theo ý kiến này, nên chăng quy định được ban hành theo hướng xác định những con đường thương mại, hành chính cụ thể không cho phép kinh doanh mặt hàng VLXD ô nhiễm, cồng kềnh.
Cũng đang soạn thảo dự thảo này nhưng Phó phòng QLĐT quận Tân Bình Ngô Văn Dũng cho hay: “Cơ bản là đường nào cũng được phép mua bán, vì đó là quyền tự do kinh doanh của người dân. Dự thảo của quận chỉ xác định những con đường nào không cho kinh doanh, sản xuất loại VLXD cồng kềnh, ô nhiễm. Các mặt hàng này phải di dời khỏi khu dân cư để vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung hoặc chuyển đổi kinh doanh”.
Về phía các cơ quan chức năng, hiện nay họ cũng tỏ ra lúng túng trong việc hướng dẫn, thẩm định. Chẳng hạn, Sở QHKT khi thẩm định dự thảo của ba quận như quận 5, quận 12 và quận 7 gần như đều giống nhau và góp ý chung chung như “yêu cầu về địa điểm kinh doanh VLXD chưa cụ thể về quy mô, diện tích”. Hoặc “các quận, huyện cần có kế hoạch di dời các tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh VLXD gây ô nhiễm trong địa bàn dân cư”… Sở Xây dựng cũng chỉ mới tổng hợp sơ bộ…. Nội dung quan trọng là các quy định cấm hay cho phép mua bán VLXD khi được ban hành liệu có khả thi, hợp lý hay không - như các quận, huyện đang băn khoăn thì chưa thấy các cơ quan có ý kiến.
Bình luận & chia sẻ bài viết