Theo tính toán, tỷ trọng chi phí thép xây dựng chiếm từ 12% - 16% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình tăng thêm 1%... Như vậy, tới thời điểm hiện tại, giá trị công trình tăng thêm hơn khoảng 4%...
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Trả lời phỏng vấn VnEconomy, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khuyến nghị trong bối cảnh giải ngân đầu tư công giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được coi là động lực tăng trưởng, Chính phủ cần có giải pháp kịp thời để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Gần đây, nhiều nhà thầu, chủ đầu tư liên tục phản ánh về tình trạng dừng thi công do giá thép và vật liệu xây dựng tăng. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?
Thời gian vừa qua, thị trường vật liệu xây dựng có biến động lớn, nhiều chủng loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng đột biến. Chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 5/2021 tăng 7,6% so với tháng trước, tăng 40,47% so với cùng kỳ năm trước; nhôm tăng khoảng 50-60%, vật tư điện nước gồm ống nhựa các loại, dây điện tăng khoảng 15-25%... đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xây dựng.
Sự ảnh hưởng này cụ thể như thế nào, thưa ông?
Đối với nhà thầu thi công các hợp đồng đã ký theo “Đơn giá cố định” hoặc “Trọn gói” không được điều chỉnh vốn, giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho chính nhà thầu. Các nhà thầu lớn có năng lực tài chính, có uy tín, nghiêm túc thực hiện hợp đồng thì bị thua lỗ, làm giảm sức mạnh tài chính và khả năng thi công; với các nhà thầu nhỏ, không đủ năng lực tài chính nếu nghiêm túc thực hiện hợp đồng sẽ bị phá sản hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng, chấp nhận đền bù.
Đối với các hợp đồng ký theo hình thức “Đơn giá điều chỉnh”, trong bối cảnh này, nhà thầu được điều chỉnh giá, tuy nhiên do giá tăng đột biến, liên tục dẫn đến chủ đầu tư phải xem xét, cân nhắc về nguồn vốn và hiệu quả dự án để quyết định tiếp tục đầu tư hay tạm dừng chờ đến khi giá vật tư, vật liệu ổn định. Thời gian tạm dừng để chờ quyết định của chủ đầu tư thường kéo dài, gây phát sinh về chi phí cho nhà thầu mà không được thanh toán như: chi phí khấu hao máy móc thiết bị, lương cho người lao động, lãi vay để thi công, chi phí bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng...
Theo tính toán, tỷ trọng chi phí thép xây dựng chiếm từ 12% - 16% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình tăng thêm 1%. Thời điểm hiện tại, giá thép có loại đã tăng từ 40-45% so thời điểm cuối năm 2020, tương ứng giá trị công trình tăng thêm hơn khoảng 4%.
Trong khi đó, đối với nhà thầu, lãi của một công trình chỉ dao động dưới mức 5% với điều kiện chủ đầu tư thanh toán đúng hạn, không nợ đọng. Vì vậy, một số nhà thầu không đánh giá hết các rủi ro tiềm ẩn về biến động giá thép và nguyên vật liệu khác sẽ bị ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận và phải tự giải quyết khoản thâm hụt này.
Chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 5/2021 tăng 7,6% so với tháng trước, tăng 40,47% so với cùng kỳ năm trước; nhôm tăng khoảng 50-60%, vật tư điện nước gồm ống nhựa các loại, dây điện tăng khoảng 15-25%.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng lao đao, đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình đã và đang thực hiện vì phần lớn hợp đồng ký đơn giá cố định, làm tiếp cũng lỗ, không làm cũng lỗ do phải đền bù. Điều này ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng kinh tế năm 2021 và các năm tiếp theo.
Giá thép tăng đã làm tăng giá công trình. Điều này có nghĩa rằng giá công trình dự án đầu tư công cũng tăng. Theo ông, điều này tác động thế nào đến tăng trưởng GDP năm nay khi nhiều dự án buộc phải tạm dừng thi công?
Bên cạnh các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như cải cách thể chế; tái cơ cấu nền kinh tế; nâng cao năng suất lao động ... thì đầu tư công là động lực rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Mặc dù chất lượng tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ vừa qua có chuyển biến tích cực nhưng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của yếu tố vốn vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với yếu tố lao động và các nhân tố tổng hợp khác. Giai đoạn 2016-2020, yếu tố vốn đóng góp đến 53,3%.
Vì vậy tăng vốn đầu tư công có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế nước ta giai đoạn 2021-2025. Tầm quan trọng đặc biệt của vốn đầu tư công trong dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở chỗ cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Điều này còn phản ánh tính lan toả của thực hiện đầu tư công tới đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 mạnh hơn năm 2019 vì khi đó giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,42 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước, thấp hơn 0,19 đồng so với năm 2021.
Bên cạnh tính dẫn dắt và tính lan toả của vốn đầu tư công đối với nền kinh tế, bản thân đầu tư công đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu tính toán, dự báo giai đoạn 2021-2025 nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.
Với tầm quan trọng của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế như đã phân tích ở trên, nếu giá thép và giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng khác tăng cao, có loại tăng đột biến, đồng thời dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ gây ngừng trệ sản xuất và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương không có chính sách và giải pháp kịp thời, phù hợp thì khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đặt ra.
Mới đây, Chính phủ đã ra Chỉ thị 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo ông, điều này sẽ tạo ra sự chuyển biến nào trong đầu tư công giai đoạn tới?
Hiệu quả đầu tư công giai đoạn 2016-2020 từng bước được cải thiện, đầu tư dàn trải, phân tán dần được hạn chế, tuy số lượng dự án đã giảm 50% so với giai đoạn 2011-2015 nhưng tổng số dự án được giao kế hoạch trung hạn vẫn quá nhiều với 11.100 dự án.
Ngày 23/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT- TTg với mục tiêu tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 5.000 dự án. Việc cắt giảm số lượng dự án đầu tư công trung hạn là rất cần thiết nhằm xoá bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quyết định danh mục và thực hiện dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước.
Tầm quan trọng đặc biệt của vốn đầu tư công trong dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở chỗ cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm số lượng dự án nhằm thực hiện mục tiêu vốn đầu tư công thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác. Điều này thể hiện quan điểm kiên quyết của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án nhất là các dự án khởi công mới nhằm thực hiện thành công quan điểm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, các cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, các dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm tác động lan tỏa.
Sự chuyển biến này, theo ông, đến từ những điểm nhấn quan trọng nào được nêu ra trong Chỉ thị 13?
Điểm nhấn quan trọng, đồng thời là nét rất mới trong chỉ đạo công tác vốn đầu tư công đó là phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm; khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, nhưng cũng không nóng vội.
Chỉ đạo này xuất phát từ thực tế một số quy định pháp lý về đầu tư công chưa theo kịp, không phù hợp với thực tiễn triển khai dự án, trói buộc người dám nghĩ, dám làm vì sợ sai phạm, “nuôi dưỡng” tư tưởng không làm thì không sai, dẫn đến trì trệ, cản trở việc thực hiện dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước. Điểm nhấn này cũng là căn cứ cho các cấp có thẩm quyền dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung đó là phát triển kinh tế, vì ấm no, thịnh vượng của đất nước.
Ngoài ra, điểm nhấn khác cũng rất quan trọng trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đó là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay. Thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo này nhằm xác định rõ trách nhiệm, gắn tinh thần trách nhiệm đồng thời cũng phát huy tính chủ động sáng tạo của các tổ chức, cá nhân liên quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và bảo đảm phối hợp chặt chẽ, kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện dự án đầu tư công.
Bình luận & chia sẻ bài viết