Tháng 2, xi măng, sắt, thép tăng giá mạnh làm nhiều nhà thầu lẫn chủ đầu tư méo mặt.
Giá thép liên tục tăng . Ảnh: Hồng Vĩnh |
Chủ nhà, thầu khoán đều xanh mặt
Tháng 1, ông Thanh, một thầu xây dựng có tiếng ở quận Tân Phú, TPHCM ký hợp đồng thi công 3 công trình nhà ở tư nhân với tổng trị giá 2,5 tỷ đồng. Theo thỏa thuận với chủ nhà, ông Thanh sẽ khởi công vào tháng ba.
Ông Thanh nói: “Không chỉ giá xi măng tăng 6%, chỉ trong tháng 2, giá thép tăng cao hơn từ 1-1,1 triệu đồng/tấn so với tháng trước. Nếu theo mức giá xi măng, sắt thép như hiện nay, chỉ riêng căn nhà 5 tầng ở quận Gò Vấp phải khởi công vào ngày 6-3 tới, tôi đã lỗ trên 150 triệu đồng. Hai công trình còn lại lỗ từ 90 -100 triệu đồng/căn”.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Cty TNHH Xây dựng Huy Hoàng kể: Đầu tháng 2, nhiều nhà thầu thấy được xu thế tăng giá xi măng, sắt thép nên đã đặt hàng với các đại lý, nhưng do người dân có nhu cầu xây, sửa nhà kiêng kỵ tháng giêng nên nhiều đại lý từ chối.
“Trước Tết, chúng tôi đặt mua 300 tấn sắt cây, sắt hộp... phục vụ cho các công trình để đề phòng rủi ro nếu giá thép tăng cao nhưng mua được không nhiều vì một số đại lý có biểu hiện găm hàng chờ tăng giá”, ông Hoàng nói.
Không chỉ nhà thầu, nhiều chủ nhà cũng đang méo mặt vì trót khoán công cho nhà thầu (vật tư, vật liệu xây dựng chủ nhà tự lo).
“Sắt thép tăng giá, dẫn đến nhiều vật tư khác bằng sắt thép của căn nhà như cửa, lan can, cầu thang... cũng đội giá cao ngất ngưởng. So với tháng trước, chi phí sửa chữa căn nhà một trệt, một lầu, diện tích 60m2 đã đội lên thêm gần 20 triệu đồng. Nếu giá tiếp tục tăng, e rằng căn nhà tôi lại dang dở”, anh Thuận (ngụ phường Phước Long A, quận 9, TPHCM) nói.
Tiếp tục tăng?
Ngày 18-2, Tổng Cty Thép Việt Nam tăng giá bán thép cuộn thêm 300.000 đồng/tấn, thép cây 200.000 đồng/tấn. Giá thép cuộn (chưa tính thuế giá trị gia tăng) giao tại nhà máy là 16,07 triệu đồng/tấn, thép cây 16,37 triệu đồng/tấn.
Trước đó một ngày, hai doanh nghiệp thép khác là Pomina và VinaKyoei cũng tăng giá bán các loại thép. Đây là đợt điều chỉnh giá thứ hai chỉ trong tháng 2.
Theo lãnh đạo một số công ty thép, giá thép tăng do chịu tác động của giá thép thế giới liên tục tăng và sự điều chỉnh tỷ giá. Một số ngân hàng hạn chế bán ngoại tệ cho doanh nghiệp theo tỷ giá công bố, và để có ngoại tệ thanh toán các hợp đồng nhập khẩu, không ít doanh nghiệp phải mua USD trên thị trường tự do với giá cao hơn, dẫn đến giá nhập khẩu phôi thép, thép phế bán thành phẩm tăng cao.
Theo các chuyên gia, diễn biến của thị trường cho thấy nhiều khả năng giá sắt thép trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Chính phủ đã đồng ý tăng giá điện lên 15,2% kể từ tháng 3. Giá điện trong cơ cấu giá thành sản xuất thép chiếm khoảng 10%. Giá điện tăng sẽ khiến giá thành thép tăng thêm khoảng 3-4%.
Các nguyên liệu đầu vào khác của ngành thép như than, xăng, dầu... cũng đang rục rịch tăng giá. Nhiều Cty kinh doanh thép dự báo trong tháng 3, giá thép sẽ tăng hàng trăm nghìn đồng/tấn. Trường hợp Chính phủ cho phép điều chỉnh giá xăng dầu, giá thép sẽ còn tăng do chi phí đầu vào, vận chuyển tăng.
tag: cafeland, VLXD tăng giá
Bình luận & chia sẻ bài viết