Dù đã được tổ chức thông xe vào năm 2010 để chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, nhưng Dự án đường Láng- Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long) vẫn còn một khối lượng lớn công việc vẫn đang tiếp tục thi công, đặc biệt tại nút giao Hòa Lạc. Tuy nhiên, với việc chốt thời hạn hoàn thành trong năm 2011 của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới đây thì dự án trọng điểm này gần như không còn đường lùi về tiến độ.

Dù đã được tổ chức thông xe vào năm 2010 để chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, nhưng Dự án đường Láng- Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long) vẫn còn một khối lượng lớn công việc vẫn đang tiếp tục thi công, đặc biệt tại nút giao Hòa Lạc. Tuy nhiên, với việc chốt thời hạn hoàn thành trong năm 2011 của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới đây thì dự án trọng điểm này gần như không còn đường lùi về tiến độ.

Dự án đường Láng – Hòa Lạc: Không còn đường lùi

Ảnh minh họa. Nguồn internet


Đường đã thông


Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long) được khởi công từ tháng 3/2005. Đầu tháng 10/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh thông xe và gắn biển đặt tên công trình là Đại lộ Thăng Long. Đây là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay với chiều dài 29,264km và là một trong những công trình giao thông trọng điểm được Ban chỉ đạo Quốc gia kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chọn là công trình hoàn thành chào mừng Đại lễ.


Đường Láng- Hòa Lạc nối kết khu vực trung tâm với các chuỗi đô thị vệ tinh, đang trong quá trình phát triển gồm: Xuân Mai, Miếu Môn, Sơn Tây và các khu du lịch giàu tiềm năng. Đặc biệt, tuyến đường được coi là tiền đề cơ bản để phát triển Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc.


Trong thời gian tới, tuyến đường sẽ được kéo dài tới TP.Hòa Bình, liên thông với đường Hồ Chí Minh. Xét trong mạng lưới giao thông tổng thể, Đại lộ Thăng Long hòa với các tuyến: QL6, QL32, QL37, QL2... góp phần hoàn thiện mạng đường xuyên tâm kết nối khu vực Việt Bắc, Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội.


Khối lượng còn nhiều


Dù đã được thông xe nhưng khối lượng công việc trên tuyến hiện nay còn rất lớn. Theo báo cáo của Ban QLDA Thăng Long, hiện nay cầu vượt Mễ Trì vẫn đang thi công phần tường chắn phía đài phát thanh Mễ Trì. Cầu vượt nút giao Sea Games còn khoảng 100m đường thuộc phạm vi nút giao.


Cầu vượt nút giao Phú Đô còn 1 nhịp cầu vượt, tường chắn và đường dẫn chưa thi công. Hiện các nhà thầu đang lắp ván khuôn đáy và gia công cốt thép nhịp. Cầu Sông Nhuệ các đơn vị thi công đã hoàn thành phần tường chắn, tuy nhiên khối lượng còn lại gồm kè bờ và đường dân sinh sau mố đang phải tiếp tục thi công. Với cầu vượt Bắc Phú cát, hiện đơn vị thi công đang thi công đắp đất tường chắn bên phía Bắc Phú cát (bên trái), tường chắn bên khu công nghệ cao Hòa Lạc đang được triển khai bóc hữu cơ.


Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại nhiều nhất phải kể tới là nút giao Hòa Lạc. Thời gian qua, dù mưa kéo dài ròng rã nhiều ngày nhưng Tổng công ty XDCTGT 1 vẫn tích cực huy động công nhân triển khai thi công trên các vị trí có mặt bằng.


Cho đến nay 3/5 nhịp cầu vượt cao tốc trái của cầu vượt Hòa Lạc đã hoàn thành, giếng cát xử lý đất yếu phần tường chắn TC4 nhánh cao tốc trái cũng hoàn tất và đang đóng cọc BTCT đại trà phần tường chắn TC3, TC4, gia công cốt thép và đang thi công các nhánh Ram, mở rộng QL21. Với hệ thống thoát nước bổ sung, gói hồ sơ số 1 mới đang tiến hành đào rãnh đào rãnh. Gói hồ sơ số 2 đã triển khai được khoảng 70% khối lượng. Các gói hồ sơ số 3, 4, 5, 6, 7 hiện mới đang chuẩn bị triển khai thi công.


Theo Ban QLDA Thăng Long, mặc dù toàn bộ hồ sơ thiết kế và dự toán đã được phê duyệt từ tháng 7/2011 nhưng việc giải quyết các thủ tục liên quan về hợp đồng, tài chính của Tổng thầu Vinaconex với các thầu phụ rất chậm dẫn đến chậm triển khai lực lượng thi công. Đây chính là một trong những vướng mắc và bất cập của cơ chế Tổng thầu xây lắp làm giảm hiệu lực điều hành chỉ đạo của Chủ đầu tư đối với các đơn vị thi công.


Không còn đường lùi


Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm ngành GTVT mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các bên liên quan khẩn trương thực hiện các hạng mục còn lại để hoàn thành dứt điểm dự án trong năm 2011, đồng thời theo dõi lún mặt đường để có giải pháp xử lý phù hợp và xác định thời điểm làm phẳng lại mặt đường theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đây được xem là thời hạn chốt để hoàn thành toàn bộ dự án trọng điểm này.


Ông Nguyễn Minh Lương, Trưởng phòng Dự án 4 (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, thời gian qua, Ban QLDA Thăng Long đã chủ động và nỗ lực giải quyết tháo gỡ các vướng mắc, đốc thúc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng qua kiểm tra hiện trường cho thấy việc triển khai thi công các hạng mục công việc còn chậm so với yêu cầu. Hiện nay chỉ có Tổng công ty XDCTGT1 thi công nút giao Hòa Lạc và Tổng công ty XDCTGT4 thi công nút giao Bắc Phú Cát, nút giao Hoàng Xá đã huy động đầy đủ lực lượng và đáp ứng được tiến độ yêu cầu.


Ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Công ty thi công cơ giới 1 cũng khẳng định, về phần cầu của nút giao Hòa Lạc có thể hoàn thành trong năm 2011. Còn lại phần đường hiện nay còn nhiều vướng mắc về mặt bằng nên khó có thể hoàn thành theo yêu cầu.


Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, lãnh đạo Ban điều hành Dự án đường Láng- Hòa Lạc của Tổng thầu Vinaconex cũng cho biết, khó khăn lớn nhất là công tác GPMB. Chưa kể các vị trí khác trên tuyến đường, hiện nay tại khu vực phía Tây của nút giao Hòa Lạc vẫn còn hơn 30 hộ dân chưa GPMB.


Không biết đến khi nào thành phố Hà Nội có thể bàn giao được số mặt bằng này vì có nhiều trường hợp còn chưa lên được phương án đền bù. Từ nay đến hết năm 2011 chỉ còn hơn 3 tháng nữa, nên khả năng hoàn thành dứt điểm toàn bộ dự án theo chỉ đạo là rất nan giải.