NoiThatXhome.vn - Quy hoạch đô thị ven sông Hồng là giấc mơ, trăn trở của nhiều nhà quy hoạch thủ đô. Các chuyên gia quy hoạch cho rằng hiện nay Hà Nội đã có đủ các điều kiện thuận lợi để hiện thực hoá giấc mơ ấy.
Diện mạo đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước nếu được quy hoạch bài bản, đồng bộ.
Trăn trở nhiều năm vẫn lỡ hẹn
Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnREA), nhắc lại lần lập quy hoạch vào năm 2005.
Với sự tham gia của các chuyên gia Hàn Quốc, Hà Nội đã có nghiên cứu tổng thể quy hoạch sông Hồng, nhưng lúc đó Hà Nội chưa được mở rộng.
Tới năm 2008, khi mở rộng Hà Nội, nhà nước mong muốn lồng ghép quy hoạch ven sông hồng vào quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội.
Tới tháng 7-2011, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội sau khi đã mở rộng. Trong đó có lồng ghép nghiên cứu quy hoạch ven sông Hồng.
Tuy nhiên, sau rất nhiều lần quy hoạch vẫn bị vướng do chồng chéo với Quyết định 1259 của Thủ tướng về quy hoạch chung thủ đô đã phê duyệt.
“Trong bối cảnh này không thể chờ điều chỉnh xong Quy hoạch của Quyết định 1259/QĐ-TTG sửa đổi mới điều chỉnh quy hoạch chung, sau đó mới điều chỉnh quy hoạch phân khu sông Hồng. Chúng ta phải sửa đổi song song sau đó lồng ghép điều chỉnh phù hợp nếu phải điều chỉnh Quyết định 1259/QĐ-TTG. Vấn đề là thời gian”, ông Chiến cho biết.
Trước đây các nhà nghiên cứu đề xuất khai thác hai bên sông. Nhưng bây giờ đất đai đã mở rộng, “không gian thoát lũ” linh hoạt và đạt được vấn đề xây dựng hai con đường dọc sông, đảm bảo an toàn cho thủ đô.
Bên cạnh đó, quy hoạch lần này cũng giải quyết được vấn đề tái định cư, di dân cho dân cư ngoài bãi sông Hồng.
Khi làm được hai tuyến đường hai bên sẽ xây dựng được chỉ giới đỏ, tạo được thành phố hai bên sông – ao ước của các nhà quy hoạch. Kể cả nhà dân, nếu còn tồn tại cũng sẽ quay mặt lại sông chứ không quay lưng vào sông như trước đây nữa.
“Như vậy chúng ta sẽ đạt được mục tiêu về khai thác sử dụng đất, cũng như tổ chức thành phố hai bên sông, hiện thực giấc mơ”, ông Chiến cho biết.
Thiên thời, địa lợi, nhân hoà
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tich Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết đã có rất nhiều đề xuất quy hoạch sông Hồng, nhưng các quy hoạch này không thành công chủ yếu do chưa giải được bài toán về hành lang thoát lũ. Bên cạnh đó là yếu tố dòng chảy cũng như dự báo về kịch bản biến đổi khí hậu.
Hiện nay, tình trạng xây dựng nhếch nhác, nhà tự phát khiến bộ mặt đô thị Hà Nội nhìn từ sông Hồng trông rất xấu xí.
Trong khi đó, ở những thành phố có sông chảy qua, bao giờ con sông cũng làm nên điểm nhấn đô thị, thành điểm đến nổi tiếng trên thế giới. Do đó, cần một quy hoạch thật tốt để nơi đây thực sự trở thành “dải lụa” của đô thị.
Theo ông Chính, việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập và dự kiến có thể được phê duyệt vào cuối 2021 là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng kể trên của con sông này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô.
Trên thực tế, không gian dọc hai bên bờ sông Hồng rất đẹp, thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là phát triển khu đô thị, dân cư.
Theo phân tích của ông Chính, tâm lý con người nói chung và người Việt Nam nói riêng thích sinh sống ở khu vực bằng phẳng, gần sông nước.
Hai bên bờ sông Hồng chạy qua địa bàn Hà Nội có địa hình bằng phẳng, những dải đất rộng nối tiếp nhau. Điều này rất thuận lợi để quy hoạch xây dựng một thành phố đa năng.
Khi đó, khu vực phía gần sông Hồng sẽ xây dựng những con đường, những quảng trường và nhà cửa, phố xá sẽ hướng ra sông. Khác với hiện nay, đa số nhà cửa, phố xá đều quay lưng ra sông, tạo cảnh tượng nhếch nhác.
Cũng theo ông Chính, trước đây, đồ án quy hoạch của người Hàn Quốc cho Hà Nội được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, từ năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì quy hoạch trên không còn phù hợp.
Nhưng điều đáng mừng là khi Hà Nội mở rộng, đồng nghĩa với việc diện tích ven sông Hồng được mở rộng thêm gấp nhiều lần, tạo thêm không gian, rất tốt để Hà Nội thực hiện quy hoạch đô thị được tốt hơn, đẹp hơn, ý tưởng phong phú hơn.
“Với diện tích đó, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để xây dựng một thành phố đa chức năng trong nhiều thập niên tới”, ông Chính nhấn mạnh.
Về vấn đề dòng chảy, tháng 2-2016, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và bảo vệ đê điều của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện quy hoạch lần này. Đặc biệt sẽ không có các công trình nhà cao tầng, mà đây là trục cảnh quan, cây xanh, mặt nước, phù hợp với yêu cầu phát triển của thủ đô.
Từ những phân tích trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng thành phố Hà Nội rất cần quy hoạch sông Hồng, quy hoạch được phê duyệt càng sớm càng tốt để đón nhận đầu tư.
Chắc chắn sau khi có quy hoạch tốt, đồng bộ, diện mạo đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Quy hoạch lần này sẽ kết nối 12 cây cầu từ cầu Mễ Sở đến cầu Hồng Hà, kết nối với các đường vành đai, đường xuyên tâm.
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng sẽ trả lời cho các câu hỏi đã được đặt ra từ lâu như từ đê xuống bãi sông sẽ làm gì, các bãi bồi sẽ làm công trình gì, công viên cây xanh, vui chơi giải trí, phát triển du lịch thế nào?
Đây là quy hoạch tạo ra bộ mặt kiến trúc đô thị, cần phải làm bởi đó cũng là đoạn xấu nhất, khó nhất của Hà Nội hiện nay trong quy hoạch phát triển đô thị.
Trên cương vị người đã gắn bó với những đại đô thị lớn, ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch HĐQT Vietstarland, cho rằng thủ đô phải đẩy nhanh quy hoạch, bởi có quy hoạch được mới có thể phát triển mạnh về kiến trúc hạ tầng.
“Các nhà đầu tư không chỉ xây dựng lên những dự án nhà ở, đô thị mà cùng với đó là những cơ sở hạ tầng cảnh quan. Quy hoạch ven sông Hồng có thể là những điểm đến hút khách du lịch trong thời gian tới, và nguồn thu sẽ được tạo nên từ đó”, ông Khiêm chia sẻ.
Bình luận & chia sẻ bài viết