Thành Troy được xây dựng lần đầu tiên khoảng trong niên đại 3.000 năm trước Công nguyên. Qua thời gian hàng ngàn năm, Troy được xây thêm và mở rộng để ngày nay hậu thế phải dùng số Troy I-Troy IX để đánh dấu những công trình xây dựng trong những triều đại khác nhau mà sớm nhất là Troy I (năm 3.000-2.500 trước Công nguyên), muộn nhất Troy IX (từ năm 85 trước Công nguyên)...

Thành Troy được xây dựng lần đầu tiên khoảng trong niên đại 3.000 năm trước Công nguyên. Qua thời gian hàng ngàn năm, Troy được xây thêm và mở rộng để ngày nay hậu thế phải dùng số Troy I-Troy IX để đánh dấu những công trình xây dựng trong những triều đại khác nhau mà sớm nhất là Troy I (năm 3.000-2.500 trước Công nguyên), muộn nhất Troy IX (từ năm 85 trước Công nguyên)...

Homer, tên của nhà thơ cổ đại người Hy Lạp, được xem là sống khoảng năm 850 trước Công nguyên, một trong những thi sĩ xưa nhất mà nhân loại còn biết đến. Tác phẩm của Homer được lưu truyền cho hậu thế là Iliad, một tập thơ gồm 24 quyển.

Iliad là bản văn thuộc loại cổ nhất của châu Âu, tập sử thi đầu tiên của loài người. Những dòng thơ đó không chỉ kể lại đời sống nhân gian mà chủ yếu nói về hoạt động của các vị thần của thần thoại Hy Lạp. Do đó Iliad phải được gọi là Huyền sử thi Hy Lạp.


Khách tham quan đang leo lên ngựa thành Troy

Câu chuyện trung tâm của huyền thoại Iliad là một cuộc chiến xảy ra do một câu chuyện tình. Homer kể lại rằng có một người đẹp nghiêng thành tên là Helen, vợ của nhà vua Menelaus thuộc xứ Sparta của Hy Lạp thời tiền sử. Nếu chỉ thế thôi thì đã không chuyện gì xảy ra, nhưng lại có một chàng hoàng tử tên gọi là Paris của thành Troy, lập kế bắt cóc nàng Helen đưa về cung.

Nhà vua Menelaus đâu chịu mất hoàng hậu, đem quân tấn công thành Troy. Thế nhưng thành Troy kiên cường chống đỡ, cuộc bao vây kéo dài 10 năm vẫn bất phân thắng bại. Câu chuyện tưởng chừng đậm nét nhân gian này không ngờ có sự tham gia của các thánh thần Hy Lạp. Các vị đó cũng chia thành hai phe, kẻ bênh vực bên tấn công, người hỗ trợ bên phòng thủ.

Ta cần biết các vị thần Hy Lạp cũng yêu giận thương ghét như con người, họ tích cực tham gia vào đời sống loài người. Trong cuộc chiến quanh thành Troy chỉ có Zeus, vị thần tối cao, giữ vị trí trung lập, không thuộc về phe nào. Tuy thế Ngài vẫn quan sát cuộc chiến. Homer còn cho hay tên một ngọn đồi, nơi đó Zeus ngồi xem chiến trận.

Sau 10 năm hãm thành không có kết quả, cuối cùng người anh hùng Hy Lạp Odysseus mới nghĩ ra một kế hay. Quân Hy Lạp giả vờ tuyên bố bãi binh rút lui và để lại một con ngựa gỗ rất lớn, xem như để tế thần. Odysseus cùng một số quân tinh nhuệ núp trong bụng ngựa gỗ. Quân dân thành Troy vui mừng nhận lễ vật, đem ngựa vào thành và tổ chức yến tiệc. Ngay trong đêm đó, phục binh từ trong ngựa gỗ lẻn ra mở cửa thành, cùng với quân Hy Lạp đã bí mật trở lui, chiếm trọn thành Troy. Chàng hoàng tử Paris bị giết, nàng Helen đoàn tụ với nhà vua Menelaus và Odysseus viết một bản anh hùng ca bất tử cho người Hy Lạp.

Nàng Helen của thành Troy xem ra chỉ là một huyền thoại, bài sử thi hiển nhiên là một câu chuyện tình đẹp, được lồng trong một cuộc chiến lâu dài gian khổ, cuối cùng kể về cuộc đời của người anh hùng đầy mưu trí và nhiều uẩn khúc Odysseus. Thế nên nàng Helen, thành Troy và con ngựa Troy đã trở thành hình tượng trong thi ca, nghệ thuật, phim ảnh của văn hóa Hy Lạp và phương Tây. Con ngựa thành Troy cũng trở thành khái niệm của thuật nội gián, một diệu kế mà cả Đông lẫn Tây đều có.

Hầu như ai cũng nghĩ thiên sử thi Iliad chỉ là huyền thoại, thậm chí có nghi vấn chưa chắc Iliad là tác phẩm của Homer. Thế nhưng có người lại tin chắc rằng Homer đã viết lịch sử, thành Troy và cuộc chiến Troy là có thực. Trong số đó có một người Đức tên Heinrich Schliemann.

Là một thương gia giàu có và say mê khảo cổ, năm 1871 Schliemann quyết đi tìm cho ra thành Troy và nếu có thể, dấu tích của con ngựa gỗ. Qua nhiều năm gian khổ và sai lầm, cuối cùng Schliemann đã tìm ra thành Troy. Đó là một khu đồi tại tỉnh Canakkale, miền Tây Bắc nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Sau Schliemann, nhiều thế hệ các nhà khảo cổ và nhà nghiên cứu đã làm việc tại đây. Người ta đã cẩn thận đào bới và tìm thấy một cổ thành với rất nhiều niên đại khác nhau. Lạ thay, thành Troy có thực! Ngày nay, thành Troy là một địa danh không thể thiếu cho khách du lịch đến thăm vùng Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ.


Một góc phế tích thành Troy

Khách hoàn toàn bất ngờ vì Troy không hề nằm trong địa phận Hy Lạp mà lại thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ. Thì ra chuyện tình của nàng Helen ngày xưa không hề diễn ra trong vòng gần gũi như nàng Huyền Trân của Việt Nam. Thực ra thì mới đầu chính Schliemann cũng tưởng Troy nằm trong địa phận Hy Lạp, ai ngờ giữa hai nước đó là biển Aegean.

Đường dẫn đến phế tích là một vùng cây lá xanh tươi, có ai chỉ khách ngọn đồi, nơi Zeus ngồi nhìn cuộc chiến. Trên đường khách ngẩn ngơ nhớ tới ấn tượng Troy trong thời thơ ấu của mình với tựa phim bằng tiếng Pháp Hélène de Troie. Nếu Homer sống trong thế kỷ thứ IX trước Công nguyên, câu chuyện của ông kể thì phải xưa hơn nữa, thế thì ngày nay còn gì để xem, một phế tích của ba ngàn năm trước. Và con ngựa thành Troy, nó có thật chăng?

Và khách sửng sốt khi đứng trước phế tích thành Troy. Phế tích này hầu như chỉ còn vài bức tường và nền gạch cũ nhưng quy mô của nó làm người ta kinh ngạc. Thế nhưng, điều quan trọng nhất là nguồn gốc của Troy vô cùng xưa cũ.


Bức tường và nền gạch cũ của thành Troy

Thành Troy được xây dựng lần đầu tiên khoảng trong niên đại 3.000 năm trước Công nguyên. Qua thời gian hàng ngàn năm, Troy được xây thêm và mở rộng để ngày nay hậu thế phải dùng số Troy I-Troy IX để đánh dấu những công trình xây dựng trong những triều đại khác nhau mà sớm nhất là Troy I (năm 3.000-2.500 trước Công nguyên), muộn nhất Troy IX (từ năm 85 trước Công nguyên).

Helen đã làm nghiêng thành Troy, cuộc chiến lừng danh vì Helen đã diễn ra trong thời đại Troy VII, tức là khoảng năm 1.200 trước Công nguyên. Và con ngựa? Con ngựa gỗ đó, nếu nó có thực thì hẳn cũng đã tiêu hủy cùng năm tháng, nhưng ngày nay người ta cho rằng nó đã được kéo vào thành bằng cổng phía Tây, nơi đó có dấu tích của thành phải đập ra ở phía trên để kéo ngựa vào vì ngựa quá cao.

Hồn người xưa có ngậm ngùi vì một kế mọn mà mất thành? Hàng ngàn người đã đổ máu vì một người đẹp? Cây cỏ phất phơ trong gió. Phế tích câm lặng trước câu hỏi của khách vì mọi phế tích đều câm lặng. Khách chợt nhớ Troy không phải chỉ có nàng Helen và chàng Paris. Cuộc chiến vì Helen chỉ là một lớp cắt rất mỏng của bề dày lịch sử thành Troy. Troy là một đô thị rất cổ, nó từng có một quá khứ vàng son trên 3.000 năm với hàng trăm vương triều. Hơn thế nữa Troy không phải là một đô thị tầm thường, nó nằm trên eo biển Dardanelles, kiểm soát mọi tàu bè đi từ Địa Trung Hải vào Hắc Hải.


Nàng Helen và chàng Paris

Đứng trên phế tích này, khách thấy màu xanh đậm của biển. Khách bừng tỉnh chợt hiểu, nàng Helen chỉ là một cái cớ để Hy Lạp đem quân đi đánh tận bên kia bờ biển Aegean. Thời đó Hy Lạp là trung tâm của mọi trung tâm, phát triển ảnh hưởng đến cả Ấn độ. Chiến thắng Troy hẳn là giai đoạn bắt đầu, kéo dài cho đến ngày vinh quang của Alexander Đại đế trong thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Sau đó Hy Lạp không bao giờ vươn lên được nữa.

Khách nhìn về phía Đông, lại nhớ Huyền Trân. Nàng công chúa nhà Trần này cũng là bóng hình của một phụ nữ trong biến động của lịch sử. Huyền Trân không bị cướp đi như nàng Helen, nhưng cũng không hoàn toàn tự nguyện, nàng ra đi trong yêu cầu của giang sơn. Khi trách nhiệm của nàng đã dứt, lại cũng một kế mọn đưa nàng về lại quê hương.

Khi Chế Mân mất năm 1307, lịch sử chép rằng nàng phải chết theo. Nhà vua Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung đi giải cứu. Trần Khắc Chung xin triều đình Champa cho nàng được tế lễ với trời đất trước khi chết. Buổi lễ đó xin được tổ chức tại bờ biển. Trần Khắc Chung thừa cơ dong buồm cùng nàng đi thẳng. Người Việt vui mừng nhưng hẳn dân tộc Champa nguyền rủa người mình bội ước.

Hậu thế chúng ta không thể biết tâm tư của Huyền Trân. Helen thì khác. Huyền sử Hy Lạp chép, nàng đem lòng yêu kẻ cướp Paris, vì vị nữ thần sắc đẹp Hy Lạp tên gọi là Aphrodite muốn như thế. Còn liệu có vị nữ thần Champa nào khiến Huyền Trân yêu Chế Mân hay không thì chúng ta không rõ, chỉ biết nàng đã tặng cho nhà vua Champa một đứa con. Còn giữa Huyền Trân và Trần Khắc Chung có tình ý gì hay không thì vẫn chỉ là một nghi vấn.

Điều chắc chắn là về sau Huyền Trân đi tu với pháp danh Hương Tràng. Năm 1340 Huyền Trân mất, được nhân dân tôn làm “Thần mẫu”. Cũng như Việt Nam, truyền thống Hy Lạp, phong cho những ai có công với đất nước khi chết được thành thần. Odysseus được phong thành thần thì ở phía Đông xa xôi kia có một sư nữ được phong thành thần.

Khách nhớ trong một chiều mùa đông mưa lạnh xứ Huế có một người bạn chỉ vào một ngôi chùa con, quả quyết Huyền Trân từng đến tu ở đây. Lại một nghi vấn của lịch sử nhưng khách nghiêng mình lễ nàng, vì ở đâu thì thần cũng có mặt.