Mặc dù hàng triệu người có thu nhập trung bình thấp đang có nhu cầu về nhà ở, nhưng gần 2 năm triển khai, chỉ có đợt đầu tiên chào bán còn đắt hàng, còn lại các dự án nhà thu nhập thấp (TNT) tại Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm.
Giá nhà quá cao so với sức chịu đựng của những người có nhu cầu được xem là nguyên nhân chính...
Cầu một đằng...
Giá nhà TNT được công bố, nhiều người đã phải ngẩn mặt. Tại khu đô thị mới Sài Đồng, quận Long Biên, nhà TNT do Cty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư có giá bán tạm tính khoảng 13 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT); thấp hơn một chút là dự án tại khu Kiến Hưng, quận Hà Đông do liên danh Vinaconex Xuân Mai và Cty cổ phần Xây dựng số 21 Vinaconex làm chủ đầu tư với mức hơn 11,5 triệu đồng/m2 (đã có 10% thuế VAT cộng với 2% phí bảo trì)... Với diện tích từ 60m2 trở lên, tính trung bình, để sở hữu căn hộ phải có từ 600 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Một mức giá mà có nằm mơ, người TNT cũng không bao giờ dám nghĩ tới.
Sở dĩ có mức giá này, ngoài địa điểm và các chi phí liên quan đến giải phóng mặt bằng..., một vấn đề khá quan trọng khiến giá nhà tại 5 dự án của Hà Nội đội lên cao là do các căn hộ tại đây đều thiết kế, trang bị nội thất như chung cư thương mại. Cái khác ở đây có chăng chỉ là ở tên gọi của dự án có gắn thêm mấy chữ nhà TNT. Cũng là gạch xây dựng loại 1, xây cao tầng, có thang máy, tầng hầm kiên cố hiện đại, hành lang rộng, cửa ra vào và thông phòng kiên cố, chưa kể có căn hộ được thiết kế tới... 2 khu vệ sinh, lát gạch bóng loáng... Nội thất, thiết kế đều ở hạng 1 trong khi chưa có căn hộ nào dưới 50m2 đã khiến giá nhà TNT tại Hà Nội bằng giá nhà thương mại tại TP HCM và cao gấp đôi giá nhà TNT tại Đà Nẵng.
Nhà đẹp thì phải giá cao, người TNT lắc đầu còn DN lại không bán được hàng. Điển hình, dự án NTN Đặng Xá phải chào bán đến lần thứ 3 và mở rộng đối tượng được mua nhà. Cung cầu lệch pha khiến cả người bán lẫn người mua sau những háo hức và chờ đợi ban đầu đã rơi vào thế... nản. GS Đặng Hùng Võ cho rằng, việc xây dựng nhà TNT vẫn thực hiện một cách cứng nhắc, thiếu sự linh hoạt để người có nhu cầu có thêm sự lựa chọn phù hợp với túi tiền của mình.
Tuy nhiên, khi được hỏi, DN lại có cái lý riêng. Đại diện một số DN khi được hỏi đều cho rằng, do Bộ Xây dựng chưa có tiêu chuẩn cụ thể đối với nhà TNT nên khi triển khai các DN khá lúng túng và họ thường áp tư duy nhà thương mại cho nhà TNT. Ông Lê Ngọc Ước - Phó Giám đốc Cty đầu tư hạ tầng Viglacera lại cho rằng, dù là nhà kiểu gì thì chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu, vì liên quan đến thương hiệu của DN. Làm nhà TNT nhưng không được phép để xảy ra các hiện tượng xuống cấp, lún nứt như nhà tái định cư. Ông Ước cũng cho biết thêm, nếu Bộ Xây dựng có quy định rõ giá nhà có tầng hầm cũng như quy chuẩn nhà chung cư thì DN sẽ dễ dàng hơn vì họ có chuẩn để đối chiếu hay áp dụng công nghệ hạ giá thành.
Quy chuẩn thiết kế: yêu cầu bắt buộc
Quy mô thiết kế công trình sẽ cao không quá 15 tầng, không thiết kế tầng hầm, căn hộ diện tích sàn từ 35m2 - 45m2 chiếm khoảng 20%; từ 45m2 - 60m2 chiếm khoảng 60%; từ 60m2 - 70m2 chiếm khoảng 20%. |
Đây cũng là vấn đề đặt ra với TP Hà Nội trong cuộc họp mới đây giữa lãnh đạo TP với các ban ngành, đơn vị liên quan để giải quyết vướng mắc, đưa giá nhà sát với thực tế và túi tiền của người mua. Có nhiều ý kiến cho rằng, TP nên áp dụng những mẫu nhà đơn giản để giảm được chi phí thiết kế, đầu tư xây dựng chứ không nên so sánh giá với các địa phương khác. “Gạch ốp gì, lát gì chủ đầu tư phải tính toán vì thực chất sau này nhà TNT sẽ cạnh tranh mạnh. Còn người mua, trong bối cảnh khó khăn cũng phải chấp nhận ở chật chội hơn một chút” - ông Vũ Quang Ninh - Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường, Bộ Xây dựng nói.
Bình luận & chia sẻ bài viết