Bất động sản du lịch ở Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Đó là khẳng định của ông Phan Hữu Thắng- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Bất động sản du lịch ở Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Đó là khẳng định của ông Phan Hữu Thắng- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Bất động sản du lịch chưa được đầu tư đúng mức Theo phân tích của ông Thắng, bất động sản (BĐS) du lịch là một loại hình mới được phát triển ở Việt Nam vài năm trở lại đây. Phân khúc này bao gồm: Khu nghỉ dưỡng (resort); khách sạn, căn hộ, dịch vụ các khu vui chơi giải trí (bao gồm cả sân golf); các khu mua sắm; các khu du lịch; các điểm dịch vụ chuyển tiếp du lịch (như bến cảng). Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm năng để phát triển phân khúc BĐS này, tuy nhiên chưa được quan tâm, khai thác đúng mức.
Tiềm năng BĐS du lịch ở Việt Nam
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3000 km với nhiều bãi biển đẹp, trong đó có không ít nơi còn giữ được vẻ nguyên sơ, chưa bị ô nhiễm. Môi trường miền biển trong lành, gần gũi với thiên nhiên, rất thuận lợi cho việc xây dựng nhiều khu resort, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển. Nhiều tỉnh thành ở Việt Nam có địa hình đồi núi, rất phù hợp với phát triển khu tham quan, nghỉ mát hoặc thuận lợi cho phát triển biệt thự nghỉ dưỡng sinh thái,…
Lượng khách du lịch vào Việt Nam ngày càng tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 11-11,5%/ năm (năm 2010 có 5 triệu khách du lịch vào Việt Nam). Ngành du lịch Việt Nam cũng đang có kế hoạch phấn đấu lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng từ 10-15%/ năm trong giai đoạn 2011-2020. Đời sống người dân trong nước cũng ngày càng tăng cao, vì thế nhu cầu đi du lịch cũng ngày một lớn…
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng khá tốt, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến đầu tư các công trình BĐS du lịch…
Chưa được quan tâm, khai thác đúng mức
Điều kiện thì như vậy, nhưng tính đến năm 2009 Việt Nam mới chỉ có 10.800 cơ sở lưu trú, tương đương với 210.000 phòng; tính đến đầu năm 2010 Việt Nam mới có 98 resort đăng ký hoạt động, với khoảng 8.150 phòng; hiện Việt Nam cũng mới chỉ có 34 sân golf có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép. Hiện cũng chưa có các nghiên cứu sâu của các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường này, vì thế càng chứng tỏ BĐS du lịch tại Việt Nam chưa được đầu tư đúng mức, và phát triển tương xứng với tiềm năng.
Ngoài ra, ông Thắng cũng đưa ra một loạt hạn chế trong qua trình đầu tư, khai thác thị trường BĐS du lịch ở Việt Nam hiện nay. Nổi bật là sự phân bổ không đồng đều giữa các địa phương, trong số 98 resort thì có tới 68 resort tập trung tại Mũi Né Bình Thuận; ngoài ra những dự án BĐS nghỉ dưỡng thường thuộc dạng cao cấp (5 sao) nên chỉ phù hợp với một số đối tượng nhất định, có thu nhập cao vì thế nó trở nên kém hấp dẫn đối với đa số những người dân.
Chúng ta cũng chưa gắn kết giữa các dự án đầu tư BĐS du lịch với những chương trình quốc gia về xúc tiền du lịch và thực trạng du lịch Việt Nam. Hay nói cách khác, chưa có sự nghiên cứu và cân nhắc trong quá trình cấp phép đầu tư dẫn đến tình trạng nhiều dự án BĐS du lịch lớn của nhà đầu tư nước ngoài sau khi được cấp phép đã bị thu hồi giấy phép ( như dự án Bãi biển Rồng (Quảng Nam) bị rút giấy phép năm 2010; dự án Thành phố Sáng tạo (Phú Yên) bị rút giấy phép năm 2011;…).
Nguyên nhẫn cũng chỉ bởi, Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong quy hoạch, xây dựng BĐS du lịch, dẫn đến nhiều sản phẩm BĐS du lịch ra đời nhưng kém độc đáo, hay vấn đề môi trường ở các khu BĐS du lịch cũng chưa được quan tâm đúng mức, vì thế không thu hút được sự quan tâm của khách du lịch.
Để BĐS du lịch phát triển
Để BĐS du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, theo ông Thắng, Việt Nam cần sớm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật chính sách, đặc biệt là các chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi cho BĐS nói chung và BĐS du lịch nói riêng có điều kiện phát triển và thu hút vốn đầu tư từ các nguồn.
Các bộ ngành liên quan cần có những phương án tháo gỡ khó khăn hiện tại về tài chính, đất đai cho một số dự án BĐS du lịch lớn, để họ có thể tiếp tục triển khai dự án của mình, tránh tình trạng bị thu hồi giấy phép như một số dự án BĐS du lịch lớn trước đây. Đồng thời, cần đào tạo được một đội ngũ các chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về BĐS du lịch để có thể cho ra đời những sản phẩm BĐS du lịch có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế với đầy đủ các dịch vụ đi kèm như sân bay, bến cảnh, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí và logistic, có khả năng cạnh tranh với các điểm du lịch nổi tiếng của các nước trong khu vực như Phuket (Thái Lan); Bali (Indonesia).