Tình trạng thép ngoại nhập tràn lan vào thị trường trong nước đã gây không ít khó khăn cho nhiều doanh nghiệp thép trong nước.

Tình trạng thép ngoại nhập tràn lan vào thị trường trong nước đã gây không ít khó khăn cho nhiều doanh nghiệp thép trong nước.

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp thép đã không khỏi lên tiếng xin bảo hộ thép. Tuy nhiên, việc xin bảo hộ này cũng đã gây ra nhiều cuộc tranh luận rằng có nên hay không trong khi giá thép trong nước thì cứ tăng và thép ngoại nhập vào thì với giá quá rẻ.


Thép ngoại nhập tràn lan gây không ít khó khăn cho một số doanh nghiệp - Ảnh: nguồn internet.

Nguyên nhân xin bảo hộ thép

Được biết, trong thời gian gần đây thép từ các nước trong khu vực tràn vào Việt Nam là do sức tiêu thụ thép tại nhiều nước đang giảm mạnh, các hãng thép không tiêu thụ được hàng nên bung hàng ra bán phá giá. Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu thép từ các nước trong khu vực vào Việt Nam hiện giảm còn 0% nên các công ty thương mại đua nhau nhập hàng về bán tràn lan.

Bởi theo lộ trình cam kết WTO, năm 2010, lượng thép từ các nước ASEAN, Trung Quốc và Nga nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều do được giảm thuế (ít nhất 1% với mỗi mặt hàng). Vì thế ngành thép trong nước sẽ khó khăn hơn khi không còn được Nhà nước hỗ trợ nhiều nữa, nên khó có thể cạnh tranh với thép ngoại

Tuy nhiên, thép từ các nước ASEAN ồ ạt vào nước ta chỉ mang tính chất nhất thời, khi khủng hoảng kinh tế dẫn tới các nước ASEAN dư thừa thép buộc phải bán giá thấp. Tuy nhiên, mối lo của thép Việt Nam không phải đến từ ASEAN mà chính là Trung Quốc. Trung Quốc sản xuất lớn và có nhiều chính sách tiền tệ, tài chính, thuế quan hỗ trợ rất đắc lực cho thép xuất khẩu.

Ngoài việc bị cạnh tranh gay gắt với thép ngoại nhập, thì ngay chính các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với nhau. Sự “bùng nổ” của hàng loạt các dự án thép trong năm vừa qua đã làm cho sự mất cân đối giữa nguồn cung và cầu trên thị trường ngày càng xa thêm, dẫn đến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước càng trở nên khốc liệt.

Chính vì những nguyên nhân trên đã góp phần vào việc tăng giá thép trong năm qua và những tháng đầu năm 2011 này. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá thép tăng lên quá cao cũng kéo theo mối lo thép ngoại tiếp tục tận dụng cơ hội này tràn vào, tiếp tục lại gây khó khăn cho thép trong nước.

Chỉ tính trong những tháng đầu năm này, giá thép đã có không ít biến động mạnh. Theo đó, giá thép đã tăng khoảng 300.000 đến 800.000 đồng mỗi tấn. Trên thị trường, giá bán thép hiện ở mức 15,5 triệu đồng đến 16,3 triệu đồng mỗi tấn (chưa bao gồm VAT, phí vận chuyển).

Tình trạng giá thép tăng cao đã khiến ngành xây dựng lao đao không chỉ do giá thế giới tăng mà chính là còn do các nhà sản xuất trong nước “ghìm” hàng, tiếp tục tăng giá.

Được biết trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước vẫn cạnh tranh được với thép nhập khẩu là do thương hiệu, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng nếu tăng nữa thép nội sẽ mất lợi thế cạnh tranh so với thép nhập khẩu.

Tuy nhiên, trên thực tế từ chính nội tại phát triển chưa “thoát hơi dựa dẫm” của các doanh nghiệp thép trong nước. Mỗi khi bị cạnh tranh bởi thép ngoại, các doanh nghiệp trong nước lại kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công Thương đòi xin bảo hộ.

Tính riêng trong năm 2009, điệp khúc “xin Chính phủ bảo vệ” đã vang lên không dưới vài lần và năm 2010, một số doanh nghiệp cũng đã không bỏ qua tình trạng “vác đơn” cầu cứu Chính phủ khi cạnh tranh không lại với thép từ Trung Quốc, Nga và ASEAN nhằm đề nghị các bộ ngành áp dụng một số giải pháp điều chỉnh chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Có nên bảo hộ thép trong nước”?

Việc bảo hộ thép đang là vấn đề mà không ít các nhà doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, việc này có nên được thực hiện hay không trong khi thiết bị,công nghệ của ngành thép trong nước vẫn còn hạn chế và lạc hậu. Bởi, được biết thì hiện ngành thép có cả trăm nhà máy nhưng 20% trong số này đang sử dụng công nghệ rất lạc hậu; trên 50% số nhà máy có công nghệ ở mức trung bình. Số còn lại công nghệ cũng chỉ là tiên tiến. Có thể đây chính là lý do khiến giá thành sản xuất của thép trong nước vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực, dù chất lượng ngang nhau.


Có nên bảo hộ ngành thép khi dây chuyền sản xuất thép trong nước vẫn còn "lạc hậu"? - Ảnh: nguồn internet.

Mục tiêu lớn nhất của sự bảo hộ là tạo ra sự tự chủ cho một ngành nào đó vì lợi ích chung của toàn nền kinh tế. Thế nhưng với ngành thép, bảo hộ để họ “tăng tiền lãi” bán được và sẵn sàng đầu cơ, dùng các “thủ thuật” khác để trục lợi thì thiết nghĩ việc này có nên được thực hiện hay không?

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã tăng giá thép liên tục bởi giá thép tăng và đương nhiên là việc tăng đó sẽ đem lại nguồn lãi lớn cho họ. Tuy nhiên, nay giá thép giảm các doanh nghiệp lại không muốn giảm giá ngay mà lại đòi nâng thuế nhập khẩu để bảo hộ việc tiêu thụ sản phẩm trong nước, giảm bớt gánh nặng cho ngành thép.

Bởi nếu như giá thép giảm mạnh chắc chắn sẽ tác động đến thị trường Việt Nam và sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp thép phải giảm giá bán, nhưng điều này thì không doanh nghiệp nào mong muốn. Điều họ mong muốn là vẫn được bán thép với giá cao tiêu thụ hết số thép sản xuất với chi phí cao nhưng tự mình không thể làm được nên mới đề nghị xin bảo hộ ngành thép trong nước.

Theo đó, nếu việc đề nghị này được chấp thuận thì đương nhiên thép nhập khẩu sẽ không cạnh tranh được và thép trong nước hoàn toàn yên tâm bán giá cao và có thể tiếp tục “làm giá” với khách hàng hay các chủ thầu xây dựng. Và hiển nhiên, việc mà ai cũng có thể hình dung ra được là nỗi lo lắng của các doanh nghiệp thép chắc chắn sẽ được chuyển sang vai những công trình xây dựng, những người tiêu dùng sử dụng thép. Khi đó, việc tất yếu có thể xảy ra chính là thép trong nước sẽ có một mức giá cao hơn rất nhiều so với giá trên thị trường thế giới.

Thiết nghĩ, việc xin bảo hộ có thể sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại cho một số doanh nghiệp vì mỗi khi gặp khó khăn lại “vác đơn” cầu cứu để được xin bảo hộ trong khi Việt Nam đã hội nhập kinh tế, chuyện tăng thuế để bảo hộ sản xuất trong nước là chỉ có giới hạn. Và nếu như tình trạng này cứ được lặp đi lặp lại thì thiết nghĩ thị trường thép trong nước có thể sẽ mãi mãi không thể đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.