Lĩnh vực đất đai hiện có ba “cái nhất”, theo Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Phạm Đình Cường.

Lĩnh vực đất đai hiện có ba “cái nhất”, theo Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Phạm Đình Cường.
Ba “cái nhất” của lĩnh vực đất đai
Dù phát hiện ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực đất đai, song do cơ chế bất cập nên Kiểm toán Nhà nước nhiều khi cũng đành bất lực.

Đó là: khiếu kiện nhiều nhất (70% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai), nhiều biểu hiện tiêu cực nhất (số lượng quan chức bị mất chức, xử lý hành chính, xử lý hình sự liên quan đến đất đai nhiều nhất), và thất thoát nhiều nhất. Riêng số tiền sai phạm trong quản lý đất đai các năm qua đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng, và hiện vẫn chưa thể đánh giá hết thất thoát.

Tại hội thảo “Kiểm toán thu sử dụng đất với việc tăng cường quản lý thu ngân sách, quản lý đất đại tại các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương”, do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 15/9, ông Nguyễn Văn Hiệu, đại diện Kiểm toán Nhà nước khu vực IV nói trong thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán được nội dung về thu tiền sử dụng đất, mà chưa kiểm toán về quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chưa kiểm toán được đối với đối tượng xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phát sinh nghĩa vụ tài chính...

“Thất thoát là cũng đúng thôi, bởi không thể không tính giá đất theo giá thị trường, và trong kinh tế thị trường, giá đất là thành tố với chi phí rất lớn. Mặc dù Bộ Tài chính đang nghiên cứu để tính giá đất sát theo giá thị trường, nhưng cũng không thể đúng theo giá thị trường hoàn toàn được”, Cục trưởng Phạm Đình Cường nói tại hội thảo.

Riêng với các cuộc kiểm toán việc thu tiền sử dụng đất tại Tp.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, các đoàn kiểm toán đã phát hiện hàng loạt sai phạm, kiến nghị truy thu cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng các năm qua.

Điển hình trong các sai phạm là việc xác định diện tích phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, không đúng đơn giá đất, không đúng tiền đền bù được khấu trừ... trong đó nổi lên là việc không áp dụng đơn giá theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường.

Đặc biệt, tại nhiều địa phương có tình trạng miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định như: dự án phân lô chuyển nhượng quyền sử dụng đất (trong đó có thỏa thuận giữa người nhận chuyển nhượng tự xây nhà theo quy hoạch), nhưng được cơ quan thuế miễn giảm tiền sử dụng đất theo phương thức xây nhà để bán.

“Chúng tôi đã kiến nghị thu về cho ngân sách trên 1.100 tỷ đồng trong năm 2008, còn năm 2009 là gần 1.300 tỷ đồng”, ông Hiệu cho hay.

Còn theo Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán Nhà nước) Trần Khánh Hòa, việc quản lý, sử dụng đất đai là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều sai phạm với số thất thu ngân sách lớn nên các đơn vị trong ngành đã triển khai kiểm toán trên diện rộng ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, sai phạm lại xảy ra ở nhiều khâu, nhiều cấp với nhiều dạng khác nhau nên việc kiểm toán, rà soát nhiều khi cũng không thể triệt để được.

Tuy nhiên, chỉ với những con số và kết quả thu được, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy, thất thoát, tiêu cực trong quản lý sử dụng đất khá lớn.

Ngay cả cơ quan thẩm quyền cũng không thể kiểm soát được giá đất trên thị trường hiện nay. “Chúng tôi ban hành giá đất theo từng năm, nhưng có những khu đất dù thành phố có nâng lên gấp 10 cũng không bằng giá thị trường”, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương nói.

Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Quang Hồi (Kiểm toán Nhà nước khu vực IV), thực tế qua các cuộc kiểm toán, không phải là các kiểm toán viên không nhận thấy các sai phạm tại các địa phương trong việc thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, do tồn tại và bất cập chính sách trong việc tính thu tiền sử dụng đất, nên nhiều khi kiểm toán viên cũng “lực bất tòng tâm’.

Nổi lên trong số những bất cập của chính sách liên quan, theo ông Hồi, là việc ban hành các văn bản hướng dẫn không rõ ràng, có nhiều điểm không phù hợp với quy định của pháp luật và kết quả là không thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, việc tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường tại Nghị định 69/CP cũng đã nảy sinh nhiều bất cập khó giải quyết trên thực tế. Đơn cử như việc quy định “căn cứ giá đất chuyển nhượng trên thị trường để áp cho một số trường hợp” hay việc quy định “giá đất trong điều kiện bình thường... được hình thành từ những giao dịch thực tế mang tính phổ biến...” là những quy định khó có thể áp vào thực tế.

Ngoài ra, đến thời điểm này, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn quy trình xác định giá đất tính tiền sử dụng đất theo giá thực tế trên thị trường, tiền đền bù và hỗ trợ về đất theo giá thị trường để làm căn cứ tính khấu trừ vào tiền sử dụng đất.