Từ đầu năm đến nay, khách hàng trong lĩnh vực xây dựng luôn trong tình trạng lo sốt vó vì sự “nhảy nhót” liên tục của giá thép. Nhiều cửa hàng cho biết, mức giá thậm chí có thể thay đổi trong ngày. Hiện giá thép tại các cửa hàng, đại lý lớn dao động 16,5 - 17 triệu đ/tấn, tăng khoảng 4 triệu đ/tấn so với thời điểm cuối tháng 2.

Từ đầu năm đến nay, khách hàng trong lĩnh vực xây dựng luôn trong tình trạng lo sốt vó vì sự “nhảy nhót” liên tục của giá thép. Nhiều cửa hàng cho biết, mức giá thậm chí có thể thay đổi trong ngày. Hiện giá thép tại các cửa hàng, đại lý lớn dao động 16,5 - 17 triệu đ/tấn, tăng khoảng 4 triệu đ/tấn so với thời điểm cuối tháng 2.

Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tính đến hết tháng 3, tổng công suất sản xuất thép xây dựng (thép thanh, thép cuộn, thép hình cỡ nhỏ) cả nước đạt gần 9 triệu tấn/năm. Trong khi đó, tổng sản lượng thép xây dựng bán ra của cả nước năm 2010 mới đạt trên 6,3 triệu tấn.

Theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch VSA, mức tiêu thụ thép hiện nay chỉ chiếm 50 - 60% công suất sản xuất thép xây dựng của các Cty. Trong khi đó, các Cty sản xuất thép xây dựng trong Hiệp hội Thép Việt Nam đều dự trữ khoảng 500 nghìn tấn phôi thép và 300 nghìn tấn thép xây dựng thành phẩm, chưa kể số phôi thép và sản phẩm tồn ở các Cty thương mại.

Theo VSA, sự biến động giá cả thép trên thị trường không phải do thiếu thép bởi những năm qua Việt Nam chưa bao giờ thiếu thép xây dựng, mà chủ yếu do biến động giá nguyên liệu quyết định như giá quặng sắt, giá than, xăng dầu, phôi thép, giá thép phế. Thêm vào đó, rất khó xác định được giá thị trường chung cho sản phẩm thép bởi ngay ở cùng một thời điểm xác định, giá thép bán tại miền Nam đã khác so với miền Bắc, giá thép giữa các thương hiệu khác nhau cũng chênh nhau khá nhiều.

Tại cuộc làm việc với VSA và TCty Thép Việt Nam (VNSteel) chiều 12/5, bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: "Hệ thống phân phối thép đang có vấn đề bởi nguồn cung về thép xây dựng vượt khá xa nhu cầu, nhưng nguồn cung thép ở một số địa phương vào một số thời điểm vẫn thiếu hụt dẫn tới giá bán ra tăng vô lý". Theo bà Thoa, hiện các DN lớn sản xuất thép ở trong nước, nhất là VNSteel mới chủ yếu đầu tư phát triển hệ thống phân phối bán sỉ và một vài hệ thống phân phối thép đến chân công trình, trong khi chưa xây dựng được hệ thống bán lẻ phù hợp. Do vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống bán lẻ sẵn có của tư nhân nên các DN sản xuất thép không thể điều tiết và kiểm soát giá thép bán ra trong hệ thống. “Những hạn chế này không chỉ khiến người mua thép cuối cùng thiệt thòi khi không tiếp cận sát được với giá bán của nhà sản xuất, mà còn khiến DN sản xuất thép trong nước có thể bị DN phân phối nước ngoài dễ bề thôn tính cả hệ thống bán sỉ, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa hội nhập” - bà Thoa cảnh báo.

Hệ thống phân phối thép đang có vấn đề dẫn tới giá bán ra tăng vô lý

Theo ông Lê Phú Hưng - Q.Tổng giám đốc VNSteel - việc bình ổn thị trường thép hiện phụ thuộc vào nguồn cung và hệ thống phân phối. Với năng lực hiện chiếm khoảng 26% thị phần thép xây dựng nội địa, trong quý I VNSteel đã thực hiện bán thép ra với giá luôn thấp hơn thị trường khoảng 371 nghìn đ/tấn.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hưng, VNSteel không thể buộc các Cty con là Cty liên kết, liên doanh và Cty CP tuân thủ tuyệt đối việc định giá bán ra thấp hơn thị trường hoặc sản xuất hết công suất máy móc.

Hiện toàn VNSteel có 50 nhà phân phối bán sỉ ở phía Nam và Cty Thép Thái Nguyên (Cty thành viên) có thêm 30 nhà phân phối bán sỉ ở phía Bắc. Ngoài ra, VnSteel có hệ thống bán hàng đến tận chân công trình với sản lượng tiêu thụ qua kênh này chiếm từ 10 - 20% tổng sản lượng bán ra của toàn VNSteel. Trong khi đó, một vài Cty thành viên của VNSteel như Thép Thái Nguyên cũng đã phát triển các cửa hàng bán lẻ, song hoạt động không hiệu quả bằng mạng lưới các cửa hàng bán lẻ của tư nhân đã có khá lâu.

Theo Bộ Công Thương, VNSteel cần phải đưa mục tiêu phát triển hệ thống bán lẻ vào chiến lược của TCty. Trước đây, Bộ Công Thương cũng đã có những cơ chế hỗ trợ cụ thể có thể phát triển hệ thống bán lẻ, như của Cty sữa Vinamilk và Cty Phân bón Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ)… “Các DN sản xuất cần đầu tư hơn nữa cho hệ thống bán lẻ và bán hàng đến tận chân công trình để bảo đảm đầu ra vững chắc, qua đó giữ vững được vị trí điều tiết thị trường với sức ép cạnh tranh ngày càng gắt gao” - Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.