Những tòa nhà cao chọc trời, những khu đô thị mới mọc lên ngày một nhiều… làm đổi thay diện mạo Thủ đô. Từ cầu Thăng Long, đại lộ Thăng Long hay cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì… phóng tầm mắt xác định được ngay đâu là Trung Hòa - Nhân Chính, Đại Kim, Định Công, Mỹ Đình… nhưng nếu có việc phải tìm địa chỉ cụ thể trong lòng các đô thị đó chắc chắn nhiều người kêu trời như lạc vào… “ma trận”.

Những tòa nhà cao chọc trời, những khu đô thị mới mọc lên ngày một nhiều… làm đổi thay diện mạo Thủ đô. Từ cầu Thăng Long, đại lộ Thăng Long hay cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì… phóng tầm mắt xác định được ngay đâu là Trung Hòa - Nhân Chính, Đại Kim, Định Công, Mỹ Đình… nhưng nếu có việc phải tìm địa chỉ cụ thể trong lòng các đô thị đó chắc chắn nhiều người kêu trời như lạc vào… “ma trận”.

“Đánh đố” tên phố, số nhà
Tìm đâu tên phố ngã tư KĐT Nam Trung Yên? Ảnh: Thái Anh


Hầu hết các khu chung cư thương mại, tái định cư như Trung Hòa - Nhân Chính, Nam Trung Yên, Mỹ Đình, Dịch Vọng, Văn Quán… khách đến chơi và ngay cả người dân mới đến sinh sống tại đây đều lâm vào cảnh lơ ngơ khi tìm địa chỉ nhà. Không có sơ đồ, biển bảng chỉ dẫn đường đi lối lại trong các KĐT mới rộng lớn, thêm đó còn là sự thiếu vắng tên các con phố và việc đặt tên nếu có thì lại theo khu, lô đất nên càng gây nên những khó khăn khi muốn tìm đúng địa chỉ.


Tại KĐT Mỹ Đình 1, chúng tôi gặp Vui (Ninh Bình) đang loay hoay tìm địa chỉ Cty để nộp hồ sơ xin việc. Mất mấy cú điện thoại và sự trợ giúp của chúng tôi hỏi thăm dân cư xung quanh, Vui mới tìm được địa chỉ Cty tại tòa tháp B của tòa nhà An Sinh bởi lẽ nó nằm khuất sau một loạt ngõ ngách không tên. Những tấm bản đồ quy hoạch vẫn được dựng lên khi khởi công xây dựng dự án nhưng sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng thì việc đặt tên phố lại hầu như đến một cách tự phát, không có quy định rõ ràng nên địa nhà của người dân cứ theo đó căn cứ vào khu nhà chứ không phải tên phố của KĐT. Tên phố lộn xộn nên việc đặt tên ngõ, số nhà cũng không thể thực hiện đúng. Từ khi có KĐT mới, các khái niệm như: NƠ (nhà ở), CT (cao tầng), OCT (ở cao tầng), BT (biệt thự); TT (thấp tầng)… được mặc định sử dụng trong tất cả các dự án nhưng mỗi chủ đầu tư tự ký hiệu khác nhau, không có sự đồng nhất nào. Ngã ba, ngã tư thiếu tên phố càng thêm khó khăn khi xác định địa chỉ cần tìm. Chị Bích Thủy, cư dân khu thấp tầng ĐTM Văn Quán kể: Lần đám ma mẹ chồng chị, nguyên chuyện nghe điện thoại hướng dẫn đường cho khách đến viếng chia buồn cũng đủ khiến cả nhà mệt nhoài. Có người lòng vòng gần tiếng đồng hồ trong KĐT mà không thể tìm được nhà.


Chị Hoàng Lan (khu biệt thự Linh Đàm) cho biết: 2 khu biệt thự của khu Bắc Linh Đàm và bán đảo gần nhau nên khách hàng của chúng tôi rất hay bị nhầm lẫn nếu chỉ hỏi thăm tới địa chỉ là lô 14, khu BT1 để tìm được Cty. Không có phố nên địa chỉ ghi theo lô đất trong quy hoạch dự án. Hơn nữa, người dân ở mỗi khu vực trong KĐT may ra biết khu mình ở chứ chỉ sang khu vực khác thì chả mấy người nắm rõ, thế nên chúng tôi rất phiền toái với vấn đề địa chỉ ở đây.


Rắc rối trong công việc, trong sinh hoạt hàng ngày nhưng người dân vẫn phải chấp nhận sống chung bởi việc đặt tên đường phố, đánh số nhà tại các KĐT mới vẫn chưa có sự thống nhất, rõ ràng. Sự rõ ràng, chỉn chu khi gắn tên biển đường phố, số nhà không chỉ mang lại sự thuận lợi trong đi lại, tìm kiếm cho mỗi người mà còn biểu hiện của sự văn minh ở mỗi đô thị. Thế nên đây cũng là công việc quan trọng cần đưa vào quy hoạch một KĐT mới. Đồng thời cần có những quy định rõ ràng hơn nữa cũng như sự thắt chặt của đơn vị quản lý để giải quyết triệt để sự rắc rối về tên phố, số nhà tại các KĐT.